CHIA SẺ

Friday, March 10, 2017

CÁCH CHĂM SÓC MÍT KHÔNG HẠT SAU KHI TRỒNG

Trong bài viết trước, Vườn ươm Cây Xanh Gia Nguyễn đã chia sẻ với Bà con nhà vườn về các kỹ thuật trồng Mít Không Hạt. Lần này, Chúng tôi sẽ chia sẻ với bà con về cách chăm sóc Mít Không Hạt sau khi trồng.


Cách trồng Mít Không Hạt

Về cơ bản, Cách chăm sóc Mít Không Hạt cũng không khác nhiều so với cách chăm sóc những Giống Mít Khác. Bà con vẫn cần chú ý các công đoạn tưới nước, tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh gây hại cây con.

Tưới nước là điều không thể thiếu

Nước là thứ không thể thiếu đối với bất kỳ một loại cây nào, đặc biệt là cây mới trồng. Vì thế, Bà con cần tưới nước ngay sau khi trồng, nếu trồng Mít Không Hạt vào đầu hay giữa mùa mưa sẽ đỡ công tưới nước.

Nếu Bà con trồng trong mùa khô phải tưới nước thường xuyên cho Mít ít nhất 1 tháng đầu. Tuy nhiên, Bà con cũng cần lưu ý nếu trồng trong điều kiện ngập úng, đất đóng váng, hay tưới quá nhiều nước dễ dẫn đến thoái hóa rễ do đó chúng ta nên xem xét tưới khi nào cần thiết.

Cắt tỉa cành đều đặn 1-2 tháng/ lần

Trong năm đầu, Bà con cần cắt tỉa cành nhằm mục đích là tạo cho cây có hình dáng khoẻ mạnh, đầy đặn, cành phân bố đều. Mít Không Hạt cành thường mọc dày, do vậy việc cắt tỉa cho tán cây thông thoáng cần thiết để cây có bộ tán cân đối cành to khỏe, hạn chế sâu bệnh trú ẩn, việc cắt tỉa nên thực hiện được tiến hành đều đặn 1-2 tháng một lần.


Cách chăm sóc Cây Mít Không Hạt

Bón phân theo từng giai đoạn

Phân bón cho Mít Không Hạt, Bà con có thể áp dụng với những loại phân bón và liều lượng bón như sau:

Năm thứ 1: Sau khi trồng cứ 1-1,5 tháng Bà con bón phân 1 lần. Bà con bón cho mỗi gốc 100-150 g NPK(15:15:15), xịt bổ sung phân bón lá vi lượng như: number one hay Fetrilon-combi theo liều hướng dẫn. Mục đích của việc này là giúp cây có đủ dưỡng chất và chất vi lượng cần thiết khi bộ rễ chưa bén đất.

Năm thứ 2: Bà con chú ý lượng bón cho một cây là: 1,5-2,0 phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2.

Năm thứ 3: Cây bắt đầu cho trái kinh doanh, vì thế Bà con cần tăng lượng phân bón so với năm trước từ 0,5-1,0 kg/cây. Bà con, bón làm hai lần là đầu và cuối mùa mưa. Trong thời gian quả đạt trọng lượng tối đa sử dụng phân bón gốc Kali sulphate (K2SO4), bón mỗi gốc 400-500 g, kết hợp với phân bón lá 0-52-34 hoặc 10-52-17 phun cho cây 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Cách bón như vậy sẽ giúp trái chín tập trung, màu thịt quả vàng hơn, mùi vị thơm ngon hơn.

Phòng trừ sâu bệnh cần tiến hành thường xuyên

Bà con chú ý quan sát và phát hiện sớm một số loại sâu bệnh gây hại cho Cây Mít Không Hạt thường là: Sâu đục thân, đục cành; ruồi đục trái; sâu đục trái; ngài đục trái; rầy, rệp; nhện đỏ…


Phòng trừ sâu bệnh cần tiến hành thường xuyên

Để bảo vệ tốt cây trồng, Bà con nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM+ thiết lập hệ thống canh tác hữu hiệu thường xuyên. Bà con nên dùng biện pháp sinh học tăng cường thiên dịch, hạn chế dịch hại do sâu bệnh. Bà con cũng cân nhắc sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết.

So với các loại Cây Ăn Trái khác Mít Không Hạt là cây dễ trồng, chịu hạn rất tốt, ít công chăm sóc. Bà con áp dụng quản lý dịch hại bằng phương pháp IPM tốt có thể không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho năng suất cao, chất lượng ngon và mang lại hiệu quả cao.